Lễ khởi công dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim
Tham dự lễ khởi công có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, Lãnh đạo các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản – JICA (đơn vị tài trợ vay vốn cho dự án)…
Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim do Công Cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi làm Chủ đầu tư, có quy mô 01 tổ máy lắp mới, công suất định mức 80 MW, tổng mức đầu tư của Dự án trên 1.952 tỷ đồng, tương đương 92.277.000 USD (nhà máy hiện hữu được xây dựng từ năm 1960 gồm 4 tổ máy, công suất định mức 4x40MW), sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất của Nhà máy Đa Nhim từ 160 MW lên 240 MW.
Sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sạch là định hướng phát triển ưu tiên của ngành điện. Dự án mở rộng Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim không cần phải di dân, tái định cư. Hồ chứa, đập dâng và đập tràn, kênh xả sử dụng dùng chung của nhà máy hiện hữu. Dự án đầu tư do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 lập được Bộ Công thương phê duyệt, đã được Nhà tài trợ JICA (Nhật Bản) đánh giá cao về tính hiệu quả và tác động tối thiểu đến môi trường. Trong dự án này nhà thầu Tư vấn Việt nam là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 đã thực hiện Nghiên cứu lập báo cáo bổ sung quy hoạch, khảo sát địa hình, địa chất thủy văn, đồng thời là Tư vấn chính Lập dự án đầu tư, Tư vấn chính Lập Thiết kế kỹ thuật và sẽ tham gia Tư vấn giám sát cùng với tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) trong giai đoạn xây dựng. Giải pháp kỹ thuật chính được áp dụng là đào đường hầm bằng công nghệ TBM, đường ống áp lực cột áp cao 800m công nghệ hàn liên tục (không có khớp co giãn).
Theo tiến độ kế hoạch, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm tổ máy trong quý I-2018 và vận hành thương mại trong quý II-2018. Khi đi vào vận hành, Nhà máy thủy điện Đa Nhim sẽ chuyển chế độ vận hành từ chạy nền sang chạy tăng công suất phủ đỉnh, góp phần tăng tính ổn định cho Hệ thống điện Quốc gia, đồng thời duy trì ổn định cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư vùng hạ lưu nhà máy.
Nhà máy thủy điện Đa Nhim hiện tại
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng sẽ góp phần đảm bảo cấp điện cho miền Nam từ năm 2018 và có ý nghĩa quan trọng trong việc tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương sự nỗ lực của Chính quyền tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cổ phần thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi sớm hoàn thành các thủ tục để dự án triển khai đúng tiến độ. Tuy giá trị sản lượng tăng thêm không lớn nhưng Dự án có ý nghĩa lớn trong việc tận dụng tài nguyên bằng việc hạn chế xả thừa, qua đó tăng hiệu quả chung của Nhà máy thủy điện Đa Nhim trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện của nước ta ngày càng cạn kiệt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ
Trong thời gian vừa qua được sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Tổ chức hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA), Việt Nam đã nhận được nguồn tài trợ lớn cho phát triển các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; riêng EVN đã nhận được nhiều nguồn vốn tài trợ cho phát triển các dự án nguồn điện. Đối với Dự án này, EVN đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía JICA trong quá trình thực hiện Dự án, từ giai đoạn đàm phán hiệp định vay vốn, đến quá trình lựa chọn nhà thầu tư vấn và thi công sau này. Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã gửi lời cám ơn sâu sắc đến Chính phủ Nhật Bản về sự giúp đỡ, hỗ trợ có hiệu quả.
Để dự án được triển khai đạt hiệu quả và an toàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu EVN, Tổng công ty Phát điện 1 mà đại diện là Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi phải bảo đảm vận hành nhà máy thủy điện Đa Nhim hiện hữu an toàn, hiệu quả; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, thực hiện công tác xây dựng mở rộng nhà máy theo đúng các quy định hiện hành; đảm bảo an toàn lao động và thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư; đảm bảo tiến độ đưa tổ máy vào vận hành vào Quý I năm 2018 với chất lượng cao nhất; đảm bảo môi trường trong quá trình thi công, quá trình đưa công trình vận hành cần phải được quan tâm, chú ý thường xuyên. Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và các đơn vị thi công phải đảm bảo thực hiện theo quy định, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
Nguồn:icon.com.vn&nổ hũ